Phát huy hơn nữa vai trò tư vấn, phản biện và giám định xã hội của đội ngũ trí thức trong hoạt động khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế, xã hội
Theo ý kiến của các đại biểu tại Hội thảo, thời gian qua thực hiện Quyết định số 14/2014/QĐ-TTg ngày 14/02/2014 của Thủ tướng Chính phủ về hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam. Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật các tỉnh, thành phố trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long đã có nhiều nỗ lực tập hợp, liên kết lực lượng trí thức thực hiện hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội, phát huy trí tuệ của đội ngũ trí thức đề xuất các chủ trương, chính sách, giải pháp thiết thực trên nhiều lĩnh vực góp phần phục vụ phát triển kinh tế, xã hội. Các đại biểu đã giới thiệu những thành tựu, đánh giá những mặt làm được và bàn giải pháp nâng cao năng lực hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội, tạo điều kiện cho Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật các tỉnh, thành phố thực hiện tốt chức năng tập hợp đội ngũ trí thức, các nhà khoa học, nhà quản lý, chuyên gia ở các lĩnh vực chuyên môn khác nhau tham gia tư vấn, phản biện và giám định xã hội.
Hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội đòi hỏi một quá trình tư duy biện chứng gồm phân tích và đánh giá một thông tin, nhiệm vụ đã có theo các góc độ khác nhau cho vấn đề đặt ra nhằm làm sáng tỏ và khẳng định lại tính chính xác của vấn đề. Lập luận phản biện phải chặt chẻ, logic, đầy đủ các cơ sở, sâu sắc và công tâm. Do đó cần có chuyên gia đầu ngành, chuyên gia giỏi, có tâm - có tầm trong các lĩnh vực KH&CN tham gia vào Hội đồng tư vấn phản biện, sử dụng tri thức chuyên sâu và tri thức liên ngành có hệ thống nêu ra những cái còn thiếu, chưa sát, chưa đúng, chưa phù hợp, thậm chí không khả thi của các đề án; sáng tạo ra ý tưởng mới để bổ khuyết, hoàn chỉnh cho những cái còn thiếu, chưa sát, chưa đúng, chưa phù hợp.
Tỉnh Sóc Trăng, trong hoạt động KH&CN, thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2020; Chiến lược phát triển KH&CN giai đoạn 2011- 2020; Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 01/11/2012 của Hội nghị Trung ương 6 (khóa XI) về phát triển KH&CN phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế; Chương trình hành động số 26-CTr/TU ngày 01/02/2013 của Tỉnh ủy Sóc Trăng thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 01/11/2012,... UBND tỉnh đã ban hành các văn bản quản lý Nhà nước nhằm cụ thể hóa các văn bản quy phạm pháp luật về KH&CN, triển khai thực hiện cho phù hợp với tình hình thực tế ở địa phương.

Ảnh quang cảnh tại buổi Hội thảo tại đầu cầu Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Sóc Trăng
Trong xây dựng, cụ thể hóa các chủ trương chính sách về KH&CN, trình tự thực hiện đều có lấy ý kiến tư vấn, góp ý của các tổ chức và cá nhân có liên quan, đặc biệt là ý kiến Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh theo tinh thần Quyết định số 14/2014/QĐ-TTg ngày 14/02/2014 của Thủ tướng Chính phủ.
Trong quản lý hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ
Huy động tốt lực lượng trí thức trong và ngoài tỉnh phục vụ hoạt động KH&CN. Công tác quản lý các nhiệm vụ KH&CN tại địa phương đã từng bước được đổi mới từ khâu đề xuất, xác định nhiệm vụ, thẩm định thuyết minh đến nghiệm thu, đánh giá hiệu quả nhân rộng, ứng dụng kết quả nghiên cứu sau nghiệm thu phục vụ sản xuất và đời sống được cải tiến. Đặc biệt là trong các bước thực hiện nhiệm vụ KH&CN đều có vai trò tư vấn, phản biện của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh (là thành viên trong các Hội đồng tư vấn về KH&CN, Tổ chuyên viên, chuyên gia độc lập...). Việc xây dựng và tổ chức thực hiện nhiệm vụ KH&CN được đổi mới theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, bám sát hơn các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Cơ chế tuyển chọn tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ KH&CN theo nguyên tắc cạnh tranh, dân chủ, bình đẳng và công khai, góp phần nâng cao chất lượng thực hiện các nhiệm vụ KH&CN.
Một số dự án cấp Trung ương trước khi trình UBND tỉnh đã đề xuất Bộ KH&CN phê duyệt đưa vào thực hiện theo các Chương trình KH&CN quốc gia đều có bước lấy ý kiến chuyên gia, trong đó có thành viên của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh.
Để phát triển KH&CN và xây dựng lực lượng trí thức đủ mạnh, đáp ứng yêu cầu theo tiến trình phát triển đất nước trong tình hình mới và yêu cầu hội nhập; Đảng và Nhà nước đã xác định: phát triển và ứng dụng KH&CN là quốc sách hàng đầu, là một trong những động lực quan trọng nhất để phát triển kinh tế - xã hội; tâm huyết, tài năng của đội ngũ trí thức dưới sự lãnh đạo của Đảng, điều hành của Nhà nước đóng vai trò quyết định cho sự thành công của sự nghiệp phát triển KH&CN. Từ đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở KH&CN phối hợp với một số tổ chức để ký kết các Chương trình, Biên bản hợp tác có liên quan đến việc phát triển KH&CN với các đơn vị: Sở KH&CN Thành phố Hồ Chí Minh; Viện Nghiên cứu CBF, Hàn Quốc (hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp sinh học); Sở KH&CN các tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang liên kết hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ Tiểu vùng Bán đảo Cà Mau; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng và Viện Ứng dụng Công nghệ, Bộ KH&CN để xây dựng mô hình ứng dụng, chuyển giao các tiến bộ KH&CN vào sản xuất và đời sống; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Sở Công Thương tỉnh Sóc Trăng về phát triển chuỗi giá trị sản phẩm hàng hóa.
Đặc biệt là Chương trình hợp tác giữa Sở KH&CN tỉnh Sóc Trăng với Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2016 - 2020, với mục đích nhằm nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của mỗi bên theo chức năng, nhiệm vụ của mình, thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp phát triển KH&CN phục vụ công cuộc công nghiệp hóa và hiện đại hóa, góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở của tỉnh trong điều kiện hội nhập quốc tế.
Cán bộ Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh là thành viên trong Hội đồng xác định và tuyển chọn nhiệm vụ KH&CN tỉnh, hàng năm cử cán bộ tham gia các Hội đồng KH&CN chuyên ngành tư vấn xác định các đề tài, dự án trước khi trình Hội KH&CN tỉnh; tham gia thường xuyên các Hội đồng KH&CN chuyên ngành tư vấn tuyển chọn tổ chức, cá nhân chủ trì thực hiện nhiệm vụ KH&CN theo hình thức đấu thầu, thẩm định, đánh giá nghiệm thu kết quả thực hiện nhiệm vụ KH&CN. Tham gia các hội đồng thẩm định, đánh giá kết quả nghiên cứu, ứng dụng, nhân rộng các mô hình, các kết quả nghiên cứu từ các nhiệm vụ KH&CN của tỉnh.
Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia thuộc Liên hiệp hội, nhất là trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, các hội thành viên như Hội Khoa học lịch sử, tham gia thành viên chính hoặc được giao trực tiếp chủ trì thực hiện các nhiệm vụ KH&CN do Sở KH&CN quản lý.
Sở KH&CN, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh chủ động đề xuất các phần việc đã được phân công trong Chương trình; phối hợp xây dựng kế hoạch, tổ chức đánh giá, báo cáo kết quả triển khai nhiệm vụ phối hợp hàng năm, kịp thời giải quyết, tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn trong quá trình triển khai.
Do hạn chế về thời gian và điều kiện, chưa triển khai được các hội thảo khoa học về các vấn đề bức xúc được dư luận xã hội quan tâm nhằm tập hợp, phát huy trí tuệ của đội ngũ trí thức đề xuất các chủ trương, chính sách với lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh; trong quá trình thực hiện về tư vấn, phản biện các chính sách, quy định pháp luật và nhiệm vụ KH&CN đôi lúc chưa đồng bộ, chặt chẽ, một số cá nhân ở một vài trường hợp chưa có sự sẵn sàng để đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ đặt ra.
Yêu cầu cần tư vấn của các nhiệm vụ KH&CN ngày càng cao (khối lượng công việc lớn, yêu cầu về thời gian nhanh, tính bao quát, sâu sắc, độ tin cậy, tính thuyết phục cao) trong khi khả năng huy động lực lượng và tổ chức thực hiện của các đơn vị trong tỉnh hiện nay còn hạn chế khi tham gia đặt hàng, tuyển chọn các đơn vị thực hiện. Thiết nghĩ trong thời gian tới hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội củ tỉnh cần quan tâm:
- Trong bối cảnh tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, có nhiều vấn đề chưa có tiền lệ, chưa có mô hình đã định sẵn và đầy đủ. Đây là vấn đề lớn và lâu dài vì cuộc sống luôn đặt ra những vấn đề mới đối với giới trí thức nói chung và những nhà nghiên cứu nói riêng nên Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật cần quan tâm chủ động tạo sản phẩm để đẩy mạnh hoạt động tư vấn, dịch vụ (theo hợp đồng) phong phú đa dạng, giải pháp cho những vấn đề mới đang đặt ra để phục vụ nhu cầu các doanh nhân, doanh nghiệp, giúp người sản xuất tìm đúng chuyên gia để giải quyết những vấn đề nan giải trong thực tiễn. Và cũng qua thực tiễn của hoạt động tư vấn chúng ta sẽ có nhiều kinh nghiệm để hỗ trợ nâng cao hoạt động phản biện, giám định xã hội. Mặt khác, tỉnh Sóc Trăng đang nổ lực xây dựng nông thôn mới, thúc đẩy tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn. Điều này đòi hỏi cần có chính sách và biện pháp tăng cường lực lượng trí thức phục vụ ở nông thôn và về nông thôn, trực tiếp tư vấn giúp nông dân, đơn vị trong sản xuất và đời sống, các hoạt động tư vấn, phản biện, giám định xã hội cũng cần tập trung hỗ trợ, chọn và đề xuất các giải pháp cho cấp ủy, chính quyền các vấn đề trong thực tiễn kịp thời sẽ nâng cao được vai trò và tính thiết thực của hoạt động và cũng là sự thể hiện trách nhiệm của đội ngũ trí thức đối với đất nước.
- Cần xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu, thông tin về các chuyên gia tham gia góp ý kiến, tư vấn, phản biện, các tổ chức hoạt động tư vấn, phản biện, giám định xã hội của hệ thống Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật. Đối với tổ chức hoạt động tư vấn cần chủ động tìm nhiệm vụ tư vấn, thông tin về năng lực hoạt động để các tổ chức, cá nhân thuận tiện trong việc kết nối, phối hợp. Xây dựng cơ chế thông tin, phối hợp giữa các tổ chức liên quan với Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh về công tác tư vấn phản biện và giám định xã hội; giữa cơ quan chủ đầu tư với Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh trước, trong và sau khi tổ chức tư vấn phản biện và giám định xã hội đề án, dự án, chính sách.
- Để tiếp tục nâng cao tính chủ động, chuyên nghiệp, hiệu quả của hoạt động tư vấn phản biện và giám định xã hội, cần có quy trình (các biểu mẫu, thông tin giám định viên, phản biện, mẫu báo cáo tác nghiệp theo các bước), tiêu chí đánh giá (định tính, định lượng) về tư vấn, phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh; Từng bước xây dựng cơ sở thông tin phục vụ cho tư vấn phản biện và giám định xã hội, chủ động lựa chọn các nội dung trọng tâm để theo dõi và thực hiện tư vấn, phản biện và giám định xã hội.
Tác giả: Nguyễn Thanh Dũng